Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Thời sự giáo dục



Đăng bởi lúc 12:11 Sáng 25/04/13


VRNs (25.04.2013) – Sài Gòn – Ngày 24.04.2013, VietnamNet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/118305/-nen-bo-3-nam-trung-hoc-pho-thong-.html) đưa tin, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nói: “Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT. Khi đó, thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH”.

1. Nghĩ gì về nhận xét của ông Lê Trường Tùng?
Theo tôi, cải cách là thay đổi, là đổi mới, là điều cần làm và phải làm, vì điều gì cũng cần cải cách, nghĩa là làm cho tốt hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thay đổi không có nghĩa là bỏ hết cái cũ, mà nên chỉ bỏ những gì không tốt, không hiệu quả, vẫn giữ những gì tốt và hiệu quả.
Xưa nay, hệ thống giáo dục nền tảng của Việt Nam vẫn là 12 năm, thế nhưng kiến thức trong khoảng thời gian 12 năm đó càng ngày có vẻ càng “loãng” hơn, các cô cậu tú vẫn cảm thấy “hụt hẫng” và thiếu tự tin khi cầm mảnh bằng tú tài. Nay người ta muốn rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 10 năm, thiết nghĩ sẽ không đủ thời gian để kiến thức “thấm” vào các cô cậu tú.
Ngày xưa, các cô cậu tú 1 (lớp 11) đã có thể vững kiến thức, có thể làm giáo viên, có thể giao tiếp ngoại ngữ, thế nhưng ngày nay, các cô cậu tú (lớp 12) vẫn như “trẻ em” về kiến thức. Liệu 10 năm có tốt hơn và hiệu quả hơn 12 năm, hay chỉ chạy nước rút vì thành tích? Phải chăng đây vẫn là “di căn” của bệnh thành tích?
Trong hệ thống giáo dục của Giáo hội Công giáo, trước đây chỉ có chương trình 2 năm Triết dành cho những chủng sinh học tu làm linh mục, nhưng khi ĐGH Gioan Phaolô II sinh thời, ngài đã tăng lên 3 năm Triết. Thời gian học tăng lên và lâu hơn chứ không rút ngắn.
Tôi không dám nói nên rút ngắn thời gian gom góp kiến thức hay không, nhưng chúng ta thử suy nghĩ thì có thể thấy cần xem lại, nhìn vào thực tế, chứ không thể ngồi văn phòng mà tính toán rồi quyết định, kẻo rồi càng “cải” thì càng “cách”. Thực tế đã và đang cho thấy như vậy!

2. Đâu là điểm quan trọng mà trong ngành Giáo dục Việt Nam cần thay đổi?
Theo tôi, rất có thể là “bệnh thành tích”, ví nó như chứng ung thư quái ác, khi di căn thì bất trị. Bệnh thành tích là tật ưa bề nổi, chuộng bề ngoài, chứng “sĩ diện”,… chú trọng “số lượng” mà bất cần “chất lượng”. Đánh trống và khua chiêng rầm rộ với chiến dịch này hoặc chiến dịch nọ, nhưng rồi đâu lại đóng đấy, đó là những người có tên gọi rất hay: “Nguyễn Y Vân” (vẫn y nguyên) hoặc “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ). Phong trào là điều cần, nhưng phong trào chỉ là phong trào thì vô ích, cần phải thay đổi tận gốc rễ, như cổ nhân nói: “Nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc rễ”. Ung bướu cũng phải triệt tiêu được tế bào gốc gây ung thư mới khả dĩ phục hồi mà sinh tồn.
Các giáo viên chủ nhiệm cũng cố gằng “thi đua”, chỉ lo sao cho lớp mình là lớp tiên tiến, bất kể học sinh học sinh có khá hoặc giỏi thực sự hay không. Thực chất thì có khi lớp chỉ có một hoặc vài em giỏi hoặc khá, còn lại chỉ từ trung bình tới yếu kém. Thế nhưng giáo viên vẫn “nâng điểm” để lớp mình đạt danh hiệu tiên tiến, là lớp chọn hoặc lớp mẫu. Và cứ thế, cuối cùng học sinh càng “rỗng chân” như nhà xây trên cát, “lỗ hổng kiến thức” cứ còn đó. Thật nguy hiểm!
“Bệnh thành tích” là ảo tưởng, là giả hình. Nhóm Biệt Phái là hạng người điển hình về giả hình, gọi là Pharisêu. Chúa Giêsu rất ghét loại người này. Và Chúa Giêsu cũng cảnh báo mọi người là phải canh tân đời sống!
Muốn thay đổi nền giáo dục Việt Nam thì phải can đảm nhìn nhận thực tế của mình, dù có thể phũ phàng. Thà muôn còn hơn không. Thay đổi cũng như điều trị ung thư, phải đau đớn, phải vất vả, phải mất thời gian chứ không thể làm trong “một sớm, một chiều”, làm như phong trào hoặc như chiến dịch.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét