Cố gắng hiểu thấu người khác thông qua việc gán cho họ những
đặc tính, những nhu cầu, những trạng thái cảm xúc haynhững mục tiêu xác định -
là dựa trên việc sử dụng những đặc tính muôn màu muôn vẻ của cái “tôi” cá nhân
với tư cách điểm xuất phát, với tư cách một khuôn mẫu chúng ta dùng để so sánh
mình với người khác. Chuyện đó đặc biệt thường xuyên xảy ra khi chúng ta cố
gắng nhận biết những người chúng ta ít quen. Coi những đặc tính nhất định của
cái “tôi” cá nhân như một khuôn mẫu đặc biệt được thể hiện chẳng hạn trong việc
gán ghép đặc tính và ý định của mình cho những người khác, hoặc nói thẳng thừng
ra là thể hiện bằng việc phát hiện ở người khác những đặc tính ngược lại một
cách rõ ràng với đặc tính của bản thân mình. “Ta chăm chỉ là vậy, có trách
nhiệm cao là vậy còn tất cả bọn họ chỉ là một lũ lười chảy thây”. Trong các vấn
đề chúng ta cho là quan trọng, chúng ta thường hay bỏ qua cái gọi là sự đồng thuận
xã- hội, nghĩa là chúng ta có xu hướng làm sao để quan điểm, thái độ và các giá
trị của chúng ta được đại đa số chia sẻ. Điều này thường dẫn đến các sai lầm
trong nhận thức và thiếu sự thấu hiểu dành cho người khác. Những khó khăn gặp
phải khi muốn hiểu thấu người thứ hai cũng là kết qua của việc chúng ta thường
có xu hướng dễ dãi trong cuộc sống, tức là thích phân loại và sử dụng các khuôn
mẫu cũ. Việc vơ những người cụ thể vào các nhóm có tiêu chí rộng hơn là cách
sắp xếp lại thế giới nhưng cũng đồng thời là nguồn gốc của sự hiểu biết sai
lầm, nông cạn, cứng nhắc nhắc về những người này. Chúng ta không thể nói gì
nhiều về một người mà chúng ta chỉ biết mỗi họ tên.. Thế nhưng có biết bao
nhiêu đặc tính khác nhau chúng ta sẵn sàng gán cho người đó khi chúng ta liệt
người ta vào nhóm “phụ nữ”, “nhà phẫu thuật”, “già”, “theo đạo Hồi”, “bệnh nhân
bệnh viện tâm thần”, “vô gia cư”… Các thông tin về việc một người cụ thể thuộc
nhóm xã hội nào cụ thể thuộc nhóm xã hội cụ thể nào thường được tạo ra một cách
tự động, không có sự tham gia của ý thức chúng ta. Việc bỗng nhiên xuất hiện
trong đầu chúng ta những loại người nào đó sẽ tạo thuận lợi để chúng ta đến với
những thông tin có tính tiêu cực và cản trở chúng ta đến với những thông tin
tích cực hoặc ngược lại, phụ thuộc vào loại khuôn mẫu chúng ta có về đề tài
loại người nhất định. Chẳng hạn như ai đó bị liệt vào loại “bà già” , thì sự
xác định mang yếu tố tiêu cực liên quan đến khuôn mẫu người già cả sẽ đến trong
đầu chúng ta dễ dàng hơn và chúng ta cũng nhớ kỹ hơn là những đặc tính không
phù hợp với người đó. Hơn nữa, khi chúng ta gán cho ai đó những đặc tính xấu
một cách máy móc gọi là liên quan đến một loại người nhất định, điều đó đã hạn
chế các mối quan hệ của chúng ta với người đó rồi. Vậy là chúng ta không có cơ
hội để làm quen với người đó tốt- hơn nhằm mục đích kiểm nghiệm suy nghĩ của
chúng ta về nguời ấy.
Như vậy bước đầu tiên để có thể thấu hiểu người khác là không
tự cho phép mình được dễ dàng bị lôi cuốn vào sự hấp dẫn cứng nhắc mà rất cần
dành thời gian cho cái ai đó đang làm cũng như phải lắng nghe những gì người đó
đang nói về bản thân mình. Nghe chăm chú, tức là cách nghe có thể dẫn đến thấu
hiểu người khác, không phải là điều dễ dàng. Đó là một quá trình tích cực không
chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin mà còn là sắp xếp lại những thông tin đã
nghe được và tái tạo chúng. Chúng ta cũng không chỉ đơn thuần làm cái việc cơ
cấu lại những gì người khác nói mà chúng ta còn cho nó một ý nghĩa nhất định
trong ngữ cảnh của điều chúng ta hiểu về người này, chúng ta không chỉ cố gắng
đánh tín hiệu cho người đó biết rằng chúng ta đang nghe một cách chăm chú mà
chúng ta còn cố gắng bằng cách nào đó (chẳng hạn như thông qua các câu hỏi hơi
mang tính “soi mói”) để biết được, liệu sự phân tích của chúng ta về điều người
đó đang nói có đúng hay không. Nếu năng lực nhận biết của chúng ta bị vướng bận
vào một việc gì đó khác hơn là nghe thì khi đó rất nhiều thông tin quan trọng
người khác nói sẽ chỉ từ tai này sang tai kia mà thôi. Không thể chú ý lắng
nghe trong khi vừa nghe vừa xem ti vi, đọc sách báo hay nghĩ về những khó khăn
mình đang phải đối đầu. Điều này chỉ khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi. Nhưng rất
đáng tiếc là năng lực nghe ở người lớn lại không gia tăng theo tuổi tác. Những
người lớn tuổi thường là các thính giả tồi hơn so với trẻ em. Các em học sinh,
khi bắt đầu cắp sách đến trường, nhớ được nhiều thông tin hơn so với các anh
chị sắp thi tốt nghiệp phổ thông trung học của chúng.
Trẻ em không ngại hỏi người đối thoại với chúng xem chúng
hiểu những lời người đó như vậy có đúng không. Người lớn ít làm việc này, cho
nên vì những lý do nhất định, họ chỉ nắm bắt từ phát ngôn của người ta những gì
tiện lợi cho mình, những gì phù hợp với mô hình của họ. Thỉnh thoảng họ bỏ qua
những nội dung lẽ ra là quan trọng nhất đối với người thứ hai. Chúng ta thường
thay đổi chủ đề câu chuyện để chuyển sang cái chủ để dễ dàng, tiện lợi hơn đối
với chúng ta, chúng ta đưa ra những đánh giá có tác đụng “bịt miệng” người đang
đối thoại với mình. “Mà có chuyện gì nào” - chúng ta hay nói điều này với một
người từ mấy tuần đang đau khổ vì sau tai bỗng nhiên mọc lên một nốt ruồi to
tướng. Khi chúng ta cố gắng tìm cách kể cho cô bạn mình nghe về chuyện chúng ta
đang có tâm trạng buồn phiền vì hôm trước vừa bị đuổi việc mà chúng ta lại phải
nghe từ cửa miệng cô ta: “Cậu biết không, bắt đâu từ hôm qua cái Lan có một con
mèo tuyệt vời. Cậu biết nơi nào có thể mua thức ăn cho mèo tốt nhất, bảo đảm
nhất không”- thì rõ ràng chúng ta mất hết cả hứng tiếp tục câu chuyện.
Mọi người thường không thể đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau khi
họ thôi không nói chuyện với nhau nữa: Mà họ không nói chuyện với nhau là vì họ
không có thời gian hoặc không đủ kiên nhãn để vượt qua những khó khăn trong
giao tiếp hay họ nhìn thấy là họ không đủ khả năng gây sự chú ý ở người đối
thoại với mình. Nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau chỉ vì bản thân những người bạn đời
của nhau không hiểu được nhau, không nhìn ra những nhu cầu của nhau hoặc phân
tích sai những nhu cầu đó Đôi khi phải sau nhiều năm thất bại trong hôn nhân, ở
giai đoạn cuối cùng trước khi hôn nhân đổ vỡ khi lá đơn ly hôn đã được chuyển
đến tòa án, vợ chồng mới bắt đầu nói chuyện với nhau. Bởi vì khi đó cả hai bên
đều không có gì để mất. Người ta nói với nhau về những ước mơ ấp ủ bao năm, về
những tình cảm và hy vọng. Họ bắt đầu hiểu ra là trước đấy họ đã nghĩ về nhau
sai lầm như thế nào.
Cho nên rút kinh nghiệm, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe và
thấu hiểu người khác. Và chúng ta cũng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để
người khác hiểu rõ về chúng ta hơn.
Tiếp
Nguồn
§
TS. Nguyễn Chí Thuật, Tạp chí Tri Thức Trẻ http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/L%E1%BA%AFng_nghe,_th%E1%BA%A5u_hi%E1%BB%83u_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_kh%C3%A1c_c%C5%A9ng_l%C3%A0_ngh%E1%BB%87_thu%E1%BA%ADt/2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét