Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

MỘT NỤ CƯỜI



Văn hào Pháp Antoine de Saint Exupéry là một phi công trong thời Đệ nhị thế chiến. Chính từ những năm tháng này mà ông đã viết ra truyện ngắn có tính tự thuật với tựa đề “Nụ cười” (Le sourire). Trong câu truyện, ông thuật lại việc ông bị quân Đức quốc xã bắt làm tù binh và bị đối xử một cách tàn bạo. Ông viết: “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm quẹt. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”...Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là một viên cai tù Phát xít nữa, mà chỉ còn là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?” Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười” (x. Hanoch McCarty, Short Stories to warm the heart). 


Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi lẽ không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười” (Khuyết danh).
Dĩ nhiên, cười cũng có 36 vạn cái cười khác nhau. Có cái cười phải trả bằng cái giá của cả một đế quốc như cái cười của nàng Bao Tự thời Đông Chu liệt quốc. Có cái cười của bạo chúa Nero khi cho nổi lửa đốt thành La Mã để có cái cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi...Gần đây, có cái cười chỉ có thể làm cho thế giới văn minh muốn nôn mửa đó là cái cười của những tên khủng bố người Nam Dương khi ra trước tòa để bị xét xử vì tội đặt bom sát hại những người vô tội.


 
Nhưng loại bỏ những cái cười ngạo nghễ, độc ác và điên cuồng ấy đi, người ta thấy nụ cười nào cũng đều là gạch nối tự nhiên giữa con người với nhau. Cười là muốn đi vào cái phần sâu thẳm nhứt của tâm hồn mà không gì có thể đạt tới được. Cười có sức tước đoạt mọi vũ khí tàn độc nhứt trong con người. Bên dưới cái vỏ ngụy tạo của mỗi người là một “cung thánh” bất khả xâm phạm. Đó là nơi duy nhứt để gặp gỡ nhau, liên kết với nhau bên kia ranh giới của hận thù, đố kỵ, sợ hãi hay chiến tranh. Chính nơi đây mà văn hào Saint Exupéry và người cai tù Phát xít đã gặp nhau và gặp nhau nhờ một nụ cười. 


Tác giả Hanoch McCarty, khi bình về truyện ngắn “Nụ cười” của Saint Exupéry, đã nêu lên câu hỏi: “Tại sao chúng ta cười khi gặp một bé thơ?” Và tác giả đã trả lời: “Có lẽ vì chúng ta thấy được một tâm hồn tinh sạch không vướng mắc trong bất cứ một lớp vỏ bọc nào. Chúng ta biết và cảm thấy nụ cười của trẻ thơ là một nụ cười chân thực, không lừa dối và tâm hồn trẻ thơ trong chính chúng ta mỉm cười đáp trả một cách say sưa”.
Nụ cười chân thực luôn có tính lây lan.Thấy ai đó cười một cách chân thực, chúng ta không thể không cười đáp trả. Tôi thường nghĩ đến nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Nhìn ngài, tôi mới hiểu được hình tượng của Phật Di Lặc. Tôi cho rằng với Phật Giáo, đời không chỉ là bể khổ. Đời cũng đáng để vui hưởng, để cười và để trao cho nhau nụ cười hơn là thù hận hay buồn phiền. 



Nhìn nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tự dưng tôi cũng muốn làm một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế của tôi hay ít ra theo tinh thần của nhà lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống có quá nhiều phúc lành cần được vui vẻ đón nhận và chia sẻ với mọi người. Ngay cả bệnh tật, xét cho cùng, cũng là một phúc lành. Nhờ nó mà ta biết cảm thông với người khác hơn. Nhờ nó mà ta cũng biết cảm thông với bản thân hơn. Và dĩ nhiên, cũng nhờ nó mà ta được tôi luyện để biết mỉm cười với cuộc đời.

Chu Thập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét