Nhà tâm lý học Ba Lan Krytyna Skarzyska, trong một bài viết
của mình, đã có câu kết luận khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Chất lượng cuộc
sống của chúng ta phụ thuộc khá lớn vào việc xung quanh chúng ta có nhiều người
thấu hiểu chúng ta hay không”.
Và bà đã kể lại câu chuyện có nội dung như sau: Bé trai Jasio
mới trên dưới một tuổi đã có cô em gái mấy tháng. Bữa nọ Jasio lấy ngón tay
chọc vào mắt em gái. Bố mẹ em hoảng quá vội vàng bế thốc em gái lên và mắng bé
thậm tệ: “Mày không biết mày làm thế là chọc mù mắt em hay sao!". Tác giả
câu chuyện đưa ra nhận xét: Jasio đâu phải là ông anh độc ác, nó chỉ muốn em
gái mở mắt ra xem mắt em thế nào. Cũng như phần lớn trẻ em ở tuổi mình, Jasio
coi tất cả mọi người quanh bé như những đồ vật để nó tiến hành các thí nghiệm
thuần túy vật lý học: Thử xem có thể làm gì với những “đồ vật” đó, nên đẩy ngã,
giật tóc, sờ nắn khắp nơi là chuyện bình thường.
Trẻ nhỏ không biết rằng người khác cũng có những trạng thái
nội tâm nào đó. Thậm chí nếu chúng có phát hiện ra ở mọi người những cái mà đồ
vật không có thì trong mười mấy tháng đầu đời chúng cũng không phân biệt được
những cảm nhận, mong muốn của chính mình với trạng thái và mong muốn của người
khác. Trẻ em luôn coi mình là chủ nhân của cả thế giới chúng đang sống, cho nên
chúng coi tất cả các trạng thái tâm lý của người khác cũng giống hệt như các
trạng thái của chúng. Nhà khoa học nổi tiếng người Thụy Sĩ, Jean Piaget, đã gọi
hiện tượng này là tư tưởng trung tâm nhận thức. Bằng chứng rõ ràng nhất về tư
tưởng này là việc làm của trẻ thể hiện trong trò chơi giấu - tìm. Một cậu bé ở
tuổi lên ba lên năm giấu một vật gì đó, chẳng hạn như quả bóng hay con búp bê,
ở chỗ cậu tự chọn cho mình (thí dụ trong đôi giầy của bố), một cậu bé khác, khi
đó phải ở phòng bên cạnh, không nhìn thấy, có nhiệm vụ tìm ra đồ vật đã được
bạn mình giấu đi. Nếu chúng ta hỏi: “Cháu nghĩ sao, bạn cháu sẽ đi tìm các thứ
ấy ở đâu ?” thì những trẻ em ở vào độ tuổi lên sáu vẫn hầu như có cùng câu
trả lời: trong đôi giầy của bố. Nói cách khác, trong giai đoạn phát triển nhất
định của mình, trẻ không phân biệt được cách nhìn của mình với cách nhìn của
đứa trê khác hay cách nhìn của người lớn khác. Nó luôn có cảm tưởng rằng người
khác cũng nhìn thấy, cũng biết và trải nghiệm những cái giống y như nó, mặc dù
các tình huống là hoàn toàn khác nhau. Quan sát phản ứng của những đứa trẻ cùng
lứa tuổi bị coi là đồ vật (như việc em gái khóc do nó cố làm em mở mắt ra, hoặc
tiếng kêu cũng những giọt nước mắt của bạn trai bị lấy mất quả bóng, bạn gái bị
giật tóc), cũng như nhìn thấy phản ứng của người lớn trước những hành động mang
tính thăm dò, phát hiện của chúng, trẻ dần dần học được một điều rằng những
người khác cũng có sự cảm nhận và nhu cầu nào đó, rằng không phải bao giờ họ
cũng muốn những em tưởng tự như chúng, rằng đôi khi chỉ đơn giản là cngười ta
không nhìn ra cái mà chúng đang nhìn thấy. Các công trình nghiên cứu cũng chỉ
ra rằng trẻ em ở độ tuổi lên năm lên sáu đã biết làm theo nguyên tắc: “Ta sẽ
nhìn thấy gì khi ta ở vị trí của bạn kia”’.
Dần dần từng bước, chúng ta học cách ly tâm, tức là chúng ta
được chuẩn bị về mặt nhận thức vượt ra khỏi cái không gian của riêng mình, bước
vào một không gian khác. Chúng ta có đủ khả năng vứt bỏ tư tưởng, trung tâm
nhận thức. Nhưng liệu như vậy đã phải là chúng ta đang lớn dần, vượt ra khỏi nó
chỉ một lần và vĩnh viễn, để rồi với tư cách người lớn, chúng ta sẵn sàng đi
theo xu hướng phát hiện ra sự khác biệt ở người thứ hai đồng thời hiểu rõ quan
điểm của người ấy không? Tại sao ở người lớn vẫn có chuyện ai đó không đủ khả
năng vượt ra khỏi cái không gian nhỏ hẹp của mình? Có ba nhóm yếu tố có thể được
coi là quan trọng nhất: Những vấn đè gặp phải với cái “tôi” cá nhân, với sự tự
đánh giá mình và với nhận thức về giá trị bản thân, coi hình ảnh mình như một
khuôn mẫu hay công cụ để hiểu người khác, lười biếng về mặt nhận thức, tức là
thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc, không có ý chí và năng lực lắng nghe.
Thấu hiểu người khác là phát hiện chính xác nhu cầu, mục
đích, nỗi lo lắng, niềm hy vọng, cách nhìn thế giới các mối quan tâm, hiện
trạng cảm xúc của người đó.
Để có thể thấu hiểu người khác, cần phải thật sự quan tâm đến
anh ta, phải dành cho anh ta khoảng thời gian nhất định của mình, phải có năng
lực nhận thức và phải có nhiệt tình. Nhưng chúng ta có thể tập trung vào người
khác thế nào được khi chúng ta còn bận bịu với bao suy nghĩ về các vấn đề của chính
mình, khi bản thân chúng ta còn chưa biết được là mình thuộc loại thông minh
hay đần độn, mình là người bạn tốt hay cũng chỉ là một kẻ xấu xa, đểu cáng, khi
chính chúng ta còn chưa xoay xở được với bao thứ trách nhiệm được giao ở cơ
quan, còn con cái chúng ta thì học hành chẳng đâu vào đâu ở trường? Trong rất
nhiều công trình nghiên cứu xã hội học, người ta đã chỉ ra rằng phát hiện chính
xác ở người khác (cả người quen cũ và người mới quen), những lầm lẫn trong việc
gán nguyên nhân cho hành động của người thân nhất (vợ, chồng, cha, mẹ, con cái)
thường có nguồn gốc ở những vấn đề liên quan đến việc tự đánh giá thấp bản
thân. Chẳng hạn như các công trình nghiên cứu do bà Maria Jarymowicz và các
cộng sự của bà tiến hành đã chỉ rõ rằng những người tự đánh giá mình thấp thì
cũng đánh giá thiếu chính xác nhất xúc cảm của người khác, còn những người đánh
giá tích cực, trung thực về bản thân mình thì bao giờ cũng hiểu người khác một
cách đúng đắn nhất. Chưa hết, nếu những người đang trải qua nỗi khó khăn, buồn phiền
liên quan trực tiếp đến bản thân mình được tác động để nâng cao những đánh giá
vẻ bản thân thì về cơ bản họ sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước nhu cầu và những vấn
đề đang gặp phải của người khác, họ hiểu thấu hơn những người kể trên.
Tiếp
Nguồn
- TS. Nguyễn Chí Thuật, Tạp chí Tri Thức Trẻ http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/L%E1%BA%AFng_nghe,_th%E1%BA%A5u_hi%E1%BB%83u_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_kh%C3%A1c_c%C5%A9ng_l%C3%A0_ngh%E1%BB%87_thu%E1%BA%ADt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét