Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

70 học trò nghèo sống trong lều rách nát


Không chỉ ăn cơm chấm muối, sống trong những căn lều nắng rọi, mưa dột, hàng chục học sinh nam và nữ THCS Trà Thọ (Quảng Ngãi) phải ở chung lều với nhau suốt nhiều năm.

THCS Trà Thọ huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) có 130 học sinh nhưng do địa hình cách trở nên hơn nửa trong số này phải ở bán trú trong những căn lều tạm phía sau trường. Đầu năm học, phụ huynh lại chặt lồ ô và mua bạt mang đến dựng lều cho con. Trường hiện có 5 căn lều, mỗi căn rộng hơn chục m2.
Trường hiện có 5 căn lều, mỗi lều vỏn vẹn 10 m2 có khoảng 6 đến 12 học sinh nam, nữ ở các thôn: Tre, Nước Biếc..., nhà cách xa trường từ 10 đến 15 km ở trọ học. Trong căn lều chật hẹp khoảng 10 m2 nhưng có từ 6 đến 12 học sinh nam, nữ chen chúc ở trọ học. Thầy giáo Phạm Tô Ninh, Chủ tịch công đoàn trường THCS Trà Thọ cho biết, trường thành lập vào năm 2005, ban đầu học sinh xin ở trọ nhà đồng bào sinh sống gần khu vực trường học, đến năm 2008, Ban giám hiệu nhà trường thấy "bất tiện" nên kêu gọi phụ huynh học sinh dựng lều cho các em ở trọ. " Lều ẩm thấp, chật chội nắng nóng vào mùa khô, những hôm trời mưa thì mưa dột, các em phải vào các phòng học của trường ngủ tạm qua đêm", thầy giáo Ninh nói.
Em Hồ Thị Mai ở thôn Tre (học lớp 9) cho biết, các gia đình đều nghèo nên mỗi năm học chỉ dựng lều một lần. Đến giữa năm, mưa gió làm tốc mái, vách lều cũng hư hỏng nặng, nước tạt vào. Hơn nữa, do thiếu chỗ ở nên các bạn trai cũng ở chung lều với các bạn nữ cùng thôn.
Góc học tập của học sinh nội trú chủ yếu là trên giường ngủ. Cặp sách đến lớp treo lên vách hay cây cột lồ ô trong lều, đôi khi các học sinh ngồi học bài đầu gần chạm mái lều.
Chiếc giường vừa là nơi ngủ vừa là chỗ học bài, treo quần áo... Mái thủng lỗ chỗ khiến những hôm trời mưa các em phải lên ngủ trên các phòng học để khỏi bị ướt.
Ngoài giờ học tập, các em học sinh phải đi tìm củi ở khu vực đồi núi xung quanh trường mang về lều nấu ăn.
Ngoài giờ học tập, các em đi tìm củi ở khu đồi quanh trường mang về nấu ăn.
Bếp nấu ăn của các học sinh nơi đây là ba viên gạch ghép lại kê sát bên vách lều làm bằng thân lồ ô trống hoác.
Bếp nấu ăn đơn sơ của các học sinh nghèo.
Em Hồ Thị Phượng, học sinh lớp 8 ở thôn Tre, xã Trà Thọ- nhà ở cách xa trường 12 km phải ở lều trọ học ba năm qua. Vào dịp cuối tuần em phải đi bộ về nhà lấy gạo lúa rẫy (gạo đỏ) để có "cái ăn" ấm bụng ở lều trọ học suốt cả tuần.
Em Hồ Thị Phượng, học sinh lớp 8 ở thôn Tre, xã Trà Thọ- nhà ở cách xa trường 12 km phải ở lều trọ học ba năm qua. Vào dịp cuối tuần em phải đi bộ về nhà lấy gạo lúa rẫy (gạo đỏ) để có "cái ăn" ấm bụng ở lều trọ học suốt cả tuần.
Bữa cơm trưa đạm bạc của nữ sinh trọ học trường THCS Trà Thọ bên hủ muối hột, vài trái ớt sim rừng.
Bữa cơm trưa của các học sinh...
Nồi cơm và hủ muối hột, vài trái ớt sim rừng đủ làm "ấm bụng" cho học sinh ở lều trọ học.
... gồm nồi cơm, hũ muối hột, vài trái ớt sim rừng.
Cuộc sống ở lều dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn thế nhưng học sinh ở lều trọ học nơi đây vẫn bền bỉ bám lớp, bám trường hi vọng "cái chữ" giúp mình thoát nghèo, đổi đời.
Thầy Trương Quang Thọ, Hiệu trưởng THCS Trà Thọ tâm sự, mùa nắng có khoảng 70 học sinh ở lều trọ học nhưng mùa mưa lũ lại tăng lên tới 90 em bởi mực nước các sông suối dâng cao, đường đi khó khăn cách trở. Tháng 12/2012, một nhà thầu đã khởi công xây 10 phòng bán trú cho học sinh nhưng sau 3 tháng, móng nhà vẫn chưa hoàn thành, tiến độ ì ạch.
Trí Tín

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Bức Họa Gia Đình




Đời sống hôn nhân và hình ảnh về đời sống này đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tiến hóa, những tư tưởng và lối sống tự do làm đảo lộn, và biến dạng. Nhiều người hoang mang và tự hỏi: "Thế nào là một hình ảnh trung thực về hôn nhân, và thế nào là đời sống hôn nhân đúng nghĩa?".
NHỮNG HIỆN TƯỢNG MỚI VỀ HÔN NHÂN
Ngày nay nhiều nơi trên thế giới, và riêng tại Hoa Kỳ, tình trạng trai gái sống chung với nhau không hôn thú đã trở thành một lối sống được xã hội chấp nhận. Trai gái, đàn ông đàn bà cứ việc sống thoải mái với nhau như vợ chồng, có con với nhau. Họ vẫn coi nhau như bạn trai, bạn gái hoặc tình nhân, chừng nào thấy không thích thì tìm người khác.
Về mặt luân lý và xã hội, không những danh từ ngoại tình không còn ý nghĩa nữa, mà những danh từ khác như hoang thai, chửa hoang thường dùng để gọi những phụ nữ không lập gia đình mà có thai và có con, cũng được thay thế bằng những mỹ từ như single mother (người mẹ đơn chiếc), hoặc có thai ngoài hôn nhân. Người ta không còn ngại ngùng, xấu hổ khi nói về tình trạng hoang thai, hay con của họ là những người con không cha nữa, vì ly dị đã mang tính cách phổ biến.
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, những người mẹ đơn chiếc đã chiếm hơn 60% những gia đình do phụ nữ làm chủ, và những người cha đơn chiếc chiếm hơn 40% những gia đình do đàn ông làm chủ. Số gia đình còn lại khoảng 30% không do ai làm chủ cả. Số này bao gồm những thành phần độc thân, đồng tính luyến ái, hoặc trai gái sống chung với nhau.
Cũng theo tài liệu thống kê cho thấy trong năm 1991, có 2.371.000 vụ kết hôn thì đã có 1.187.000 vụ ly dị, tức trung bình cứ hai cặp kết hôn có một cặp ly dị.
Hiện tượng đồng tính luyến ái tại các quốc gia Âu Mỹ cũng đang làm biến thái đời sống hôn nhân bằng những cuộc tình và những hôn nhân giữa hai người cùng phái tính. Hai người đàn ông con trai, hoặc hai người đàn bà con gái sống với nhau như vợ chồng, trao đổi tình dục với nhau, và gọi nhau là người yêu.
Trong khi những cuộc tranh luận còn đang ồn ào xẩy ra về tính chất luân lý, xã hội, và tâm lý của nhóm người này, ngày 8 tháng 2 năm 1994, Nghị Viện Âu Châu với 159 phiếu thuận và 94 phiếu chống, đã cho phép những người đồng tính luyến ái được quyền làm hôn thú theo luật định, và cho những cặp vợ chồng này được quyền nhận những con nuôi. Một số tôn giáo, những nghi thức hôn nhân tôn giáo đã được cử hành cho những cặp vợ chồng này.
Đời sống hôn nhân và quan niệm về hôn nhân như trên đối với phần đông người Việt Nam là một điều không thể chấp nhận. Nói như thế không có nghĩa là ảnh hưởng của các trào lưu hôn nhân mới mẻ kia không vào được nhà của người Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây của một giáo sư đại học ở San Diego đã cho biết tỷ lệ ly dị trong các gia đình người Việt tại Hoa Kỳ là 42%. Đó là chưa kể tình trạng của những người đã bỏ nhau nhưng không ly dị và đang sống với người khác như vợ chồng. Nhiều tác phẩm và nhiều nghiên cứu đã được viết hoặc trình bày về đề tài hôn nhân. Mỗi cuốn khảo cứu về một khía cạnh khác nhau với những lối nhìn khác nhau. Đời sống hôn nhân phức tạp thế nào, các sách vở viết về hôn nhân cũng phức tạp như vậy.


Có những tác phẩm trình bày khuynh hướng trữ tình, tự do luyến ái, tự do kết hôn, hôn nhân đồng tính luyến ái, hoặc hôn nhân lãng mạn. Đời sống hôn nhân theo khuynh hướng và lối sống của thời đại bao gồm giữa tình yêu, tình bạn, và tiền bạc. Thí dụ, hai vợ chồng sống chung với nhau dưới một mái nhà, nhưng tiền của ai làm người nấy giữ. Tiền ăn, tiền ở, tiền trang trải việc nuôi nấng con cái mỗi người bỏ ra một nửa. Một cuộc sống sòng phẳng, tự do và không bị ràng buộc. Nếu không thấy thoải mái với nhau, họ sẵn sàng ly dị và đi tìm một cuộc tình mới một cách tự nhiên, không thắc mắc.
Nhưng đa số các tác phẩm trình bày về hôn nhân đều ca tụng nếp sống gia đình, đề cao những giá trị hôn nhân gia đình, đề cao trách nhiệm của hôn nhân như bổn phận người chồng, bổn phận người vợ, tình yêu, và lòng chung thủy. Và mặc dù viết về hôn nhân và những giá trị của hôn nhân, phần lớn các tác phẩm này chú trọng nhiều đến hình thức tiểu gia đình, khía cạnh tự do hôn nhân, thái độ bình quyền, hình thức chia sẻ trách nhiệm và bổn phận.
Riêng đối với những tác phẩm trình bày về hôn nhân bằng Việt ngữ, đa số thuộc loại dịch thuật, diễn tả những mô thức hôn nhân xa lạ với thực tế xã hội và cuộc sống người Việt. Do đó, đối với độc giả Việt Nam, những tác phẩm như thế chỉ đóng vai trò giới thiệu hơn là giáo dục, hoặc hướng dẫn.
Đối với những tác phẩm do người Việt viết hay sáng tác, phần lớn thuộc loại phóng tác. Nội dung thường chứa đựng những lời Thánh Kinh, những lời răn dạy của Khổng Tử, những câu ca dao, tục ngữ về hôn nhân và gia đình. Mục đích những tác phẩm này là nêu lên những lý tưởng và mẫu mực cho đời sống hôn nhân, trình bày những mẫu gia đình có nề nếp gia phong và lý tưởng. Khi cần giải quyết các vấn đề đang làm đổ vỡ nhiều gia đình, phần lớn các tác giả chỉ quan tâm đến những khía cạnh luân lý, đạo đức, hay thanh danh gia đình, mà ít khi đề cập đến những gì đang xẩy ra chung quanh cuộc sống có ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân.
Trước những biến thái về hôn nhân ngày càng lan rộng do ảnh hưởng của những triết lý sống mới, ai cũng cho rằng những hiện tượng tha hóa đó đang gây nên những rạn nứt, làm sụp đổ nền móng của tòa nhà hôn nhân, và làm biến dạng gia đình và văn hóa thế giới. Nếu chỉ quảng diễn hôn nhân theo những khuôn mẫu đạo đức cổ kính và truyền thống sẵn có, ta dễ trở thành xa lạ và lập dị. Vì thế, muốn thăng tiến hôn nhân, muốn giữ được bản chất giá trị của nền tảng gia đình, điều cần thiết là phải nghiên cứu và tìm được những lý do tại sao khiến nhiều người coi thường, và không quí trọng những giá trị đó nữa.

CÁI NHÌN KHÁI QUÁT VỀ HÔN NHÂN
Hôn nhân có thể được định nghĩa bằng nhiều cách. Tùy theo phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, và cũng tùy theo tiến trình tiến hóa của nhân loại, hôn nhân được quan niệm thế này hoặc thế khác. Nhưng ý nghĩa cuối cùng và căn bản nhất của hôn nhân vẫn là một cuộc sống lứa đôi giữa người chồng và người vợ.
Trong cuộc sống hôn nhân, người chồng và người vợ được trói buộc bằng những sợi giây vô hình nhưng bền vững gồm sợi giây tình cảm, sợi giây tình yêu, sợi giây tình dục, sợi giây luật pháp, sợi giây luân lý, và sợi giây tinh thần. Tất cả những ràng buộc này có một mục đích rõ ràng là nhằm củng cố, thắt chặt mối tình và đời sống của hai người, giúp họ vượt qua những khủng hoảng, những sóng gió cuộc đời, và để họ cùng nhau tạo lập một cuộc sống hạnh phúc.

NHÃN QUAN TINH THẦN:
Trong khi ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng mới đang biến đổi đời sống hôn nhân, đôi khi thái quá đến trở thành biến dạng đời sống này tại nhiều quốc gia tân tiến trên thế giới, thì đối với phần đông người Việt Nam, hôn nhân vẫn được tôn trọng qua hình thức tôn giáo và truyền thống.
Đa số người Việt Nam vẫn còn nhìn hôn nhân bằng một cái nhìn mang nhiều tính chất thần linh. Dưới nhãn quan tôn giáo, hôn nhân là một cơ duyên trời định.
Khi bàn về hôn nhân, phần đông người Việt Nam cho rằng hôn nhân của họ là do trời cao đã xếp đặt, đã thúc đẩy, và đã tạo cơ hội để họ nối kết với nhau. Hình ảnh ông tơ, bà nguyệt chính là những hình ảnh thực tế hóa của suy luận tâm linh về ý nghĩa tiền định trong hôn nhân đối với người Việt Nam.
Để diễn đạt ý nghĩa quan trọng và siêu nhiên của niềm tin đối với hôn nhân, nhiều người đã liên kết hôn nhân của họ với định mệnh, và coi đó như "thiên duyên", "duyên phận", hay "duyên kiếp". Một số người còn mê tín trao phó cả tương lai của mình cho số mệnh mà họ nghĩ là đã được sắp đặt từ Thượng Đế.
Trong ngày vui mừng của đôi tân hôn, mọi người trong gia đình, gia tộc hai bên đều cầu chúc cho cô dâu, chú rể sống lâu trăm tuổi, sắt cầm hòa hợp, đông con, nhiều cháu. Những lời chúc này phản ảnh sự tin tưởng vào hoa trái tinh thần và phúc lộc cao cả của đời sống hôn nhân.
Lịch sử văn hóa Việt Nam đã cho thấy trong quá khứ, xã hội Việt Nam vì bị ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Nho Giáo, nên quan niệm hôn nhân trên ngoài việc nâng cao giá trị đời sống tinh thần của những ai sống trong đời sống hôn nhân, nó cũng là một điều yên ủi, có khả năng làm lắng dịu những bùng nổ trong tâm tư nhiều người, nhất là nữ giới giữa một xã hội trọng nam, khinh nữ. Giữa một triết lý sống mà người đàn ông được coi như chúa tể trong gia đình và ngoài xã hội, còn người đàn bà chỉ là phụ thuộc.
Ngày nay, ảnh hưởng của những tư tưởng trên tuy không còn mạnh mẽ nữa, nhưng nhiều đàn ông Việt Nam vẫn cố bám bứu vào đó, và vẫn còn ngụy biện ý nghĩa đạo đức khi dùng tam tòng, tứ đức của Nho Giáo để giải thích những hành động sai trái của họ trong hôn nhân. Tuy nhiên, đối với nhiều phụ nữ Việt Nam lúc này, những lối giải thích đó đã không trả lời thỏa đáng những vấn nạn về vai trò của nữ giới trong hôn nhân, giữa một thế giới đang biến chuyển do những tư tưởng nam nữ bình quyền, tự do yêu thương, bổn phận và trách nhiệm.
Nhưng bên ngoài lớp vỏ sần xùi và nặng nề của hình thức mà nhiều người Việt nam vẫn thường cho là đạo đức đó, hôn nhân của người Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với quan niệm hôn nhân của những dân tộc ảnh hưởng Kitô Giáo. Khi đề cập đến hôn nhân theo nhãn quan tôn giáo, phần đông người Việt Nam tuy không dùng từ ngữ "bí tích" hoặc "ơn gọi" để nói về cuộc sống này, nhưng vẫn coi hôn nhân như một sự ràng buộc tinh thần. Ngoài ra, những hành động của đời sống hôn nhân cũng được coi như một đạo lý sống, gọi là đạo vợ chồng. Người ta có thể nhìn thấy tính chất tôn giáo trong bất cứ một đám cưới nào tại Việt Nam. Trong ngày thành hôn, cô dâu và chú rể phải đến thánh đường, chùa miếu, thánh thất, hoặc trước bàn thờ tổ tiên tại tư gia để trao cho nhau lời hôn thệ, và để được chúc phúc.
Đạo lý hôn nhân của người Việt Nam, nếu được phân tích một cách kỹ lưỡng và khách quan, nó cũng diễn đạt cùng một tư tưởng mà Kitô Giáo đã quan niệm về hôn nhân. Theo Kitô Giáo, cuộc sống hôn nhân bắt nguồn từ Thượng Đế. Thánh Kinh Kitô Giáo kể rằng, trong buổi đầu tạo dựng, Thượng Đế đã tạo nên con người bằng bùn đất, thổi sinh khí vào và làm cho sinh động. Sau đó, Ngài cho Adong ngủ say, lấy một xương sườn của Ông làm nên Evà, rồi dẫn đến trước mặt Adong, khiến Ông đã sửng sốt thốt lên: "Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi" (Gn 2:23). Thượng Đế đã chúc phúc cho sự kết hợp giữa hai người khi nói với họ: "Hãy sinh sản ra nhiều trên mặt đất, và hãy thống trị trái đất"(Gn 1:28). Có lẽ do lời chúc phúc này mà người Việt Nam coi việc đông con, nhiều cháu là hoa trái tốt của hôn nhân.
Bức tranh sáng tạo, và đôi vợ chồng đầu tiên của lịch sử nhân loại đó, sau này đã được Đức Kitô vẽ lại khi trả lời những tranh biện của người Do Thái đương thời về luật ly dị. Lợi dụng dịp này, Ngài đã tái xác định giá trị tinh thần của hôn nhân, và nói với họ rằng từ đầu Thượng Đế đã không có ý định cho phép con người ly dị. Rồi Ngài khẳng định: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly" (Mt 19:6). Điều Đức Kitô trả lời cho người Do Thái, cũng chính là tư tưởng về đạo sống vợ chồng của người Việt Nam, đó là "nhất phu, nhất phụ" - một vợ, một chồng.



BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM:
Như trên vừa trình bày, quan niệm hôn nhân của người Việt Nam đã bị ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng và đạo lý của Nho Giáo. Những tư tưởng này đặt nặng bổn phận và trách nhiệm hôn nhân, trực tiếp liên quan tới đời sống đại gia đình.
Nhưng cũng như sự lạm dụng lối diễn đạt ý nghĩa tinh thần, trách nhiệm và bổn phận hôn nhân của Nho Giáo đã bị bóp méo qua những cắt nghĩa lệch lạc hoặc chủ quan của một số người. Vì thế, khi bước vào đời sống hôn nhân, nhiều thiếu nữ đã khóc không phải chỉ vì vui với đời sống mới, nhưng vì lo sợ cho viễn ảnh tương lai của mình. Bị đối xử tàn tệ ở nhà chồng. Bị làm lụng vất vả và bị sai khiến như những người ở. Nhiều phụ nữ trong xã hội Việt Nam, cho đến nay vẫn còn bị ám ảnh rằng họ phải có nhiệm vụ sinh con, để chồng có con nối dõi tông đường. Vì thế, để diễn tả biến cố một người con trai và một người con gái bước vào đời sống hôn nhân, người Việt Nam đã dùng từ ngữ "lập gia đình" hay "đi gánh vác".
Thật ra, ý nghĩa cuối cùng của hôn nhân theo Nho Giáo, không phải chỉ là những gò bó và trói buộc bằng những luật lệ vô lý, khe khắt, và thiếu uyển chuyển. Cũng không phải chỉ chú tâm vào những trách nhiệm đối với nhà chồng, nhà vợ, với họ hàng bên chồng hay họ hàng bên vợ, với đại gia đình hai bên. Trách nhiệm chính của hôn nhân phải hiểu là những bổn phận trực tiếp liên quan đến một gia đình mới giữa hai vợ chồng, và những trách nhiệm liên quan đến cuộc sống mới của hai người.
Khổng Tử luôn đề cao vai trò đạo đức trong mọi góc cạnh của cuộc sống con người, kể cả đời sống hôn nhân. Như vậy, đạo vợ chồng đúng nghĩa theo Nho Giáo, trước hết là phải chu toàn cách tốt đẹp bổn phận và trách nhiệm của người chồng đối với vợ, và người vợ đối với chồng. Ở quan niệm này ta mới tìm thấy ý nghĩa đẹp đẽ mà vợ chồng thường dùng gọi nhau, và đã được thực tế hoá bằng một từ ngữ hết sức đơn sơ nhưng rõ ràng, đó là người vợ hay người chồng nói về nhau trước mặt người khác là "nhà tôi". Nhà tôi hôm nay bận công việc ở sở làm. Nhà tôi mới đi công chuyện.
Hình ảnh diễn tả cuộc sống mới, phải bắt nguồn từ một căn nhà nhỏ bé trong đó có hai người đã thề nguyền yêu nhau, và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Chính trong căn nhà tinh thần của đời sống hôn nhân, và căn nhà vật chất của hai người đang ở đó, tình yêu họ sẽ triển nở, và những người con trai, con gái của họ sẽ chào đời.
Rồi trong trách nhiệm tương thân, tương ái, và đồng thuận, họ mới có thể gọi nhau bằng "mình". Mình ơi! Tôi yêu mình. Mình ơi! Tôi thương mình. Đại danh từ tôi, ở những câu nói này tuy rất mộc mạc, đơn sơ nhưng nói lên và đại diện rõ ràng cho một người, mà người đó không phải là ai khác hơn là chính tôi.
Vợ chồng gọi nhau bằng mình tuy không lãng mạn, tình tứ như khi gọi nhau bằng cưng, bằng người yêu, bằng em, hoặc bằng anh. Nhưng cưng, người yêu, em, hoặc anh vẫn nói lên một cái gì còn xa lạ, còn cách biệt, và không cận kề, không thuộc trọn về tôi, như khi tôi nói với chính mình tôi.
Mình là gì? Nếu không phải là "xương của xương tôi, thịt của thịt tôi", mà Adong đã vui mừng diễn tả khi đứng trước người yêu của Ông. Và mình là gì, nếu không phải là chính con người của tôi, của anh, hay của chị. Gọi vợ hay chồng bằng "mình", có lẽ là một lối diễn tả đẹp đẽ nhất, thân thiết nhất, mà chỉ người Việt Nam mới có.
Vì mình là tôi, và tôi là mình, nên dẫn đến ý nghĩa của sự kết hợp vợ chồng một cách trọn vẹn, chặt chẽ đến độ: "Hai ta tuy hai mà một, tuy một mà hai". Hai tâm hồn, hai thân xác nhưng sẽ trở thành một trong hôn nhân. Ý nghĩa này chỉ tìm thấy trong hôn nhân mà thôi. Kitô Giáo cũng đề cập tới sự kết hợp này qua việc trình bày về hôn nhân giữa Adong và Evà: "Người đàn ông sẽ luyến ái vợ mình, và cả hai trở nên một huyết nhục" (Gn 2:24).

Trần Mỹ Duyệt (nguyenduyan.net)

MỘT NỤ CƯỜI



Văn hào Pháp Antoine de Saint Exupéry là một phi công trong thời Đệ nhị thế chiến. Chính từ những năm tháng này mà ông đã viết ra truyện ngắn có tính tự thuật với tựa đề “Nụ cười” (Le sourire). Trong câu truyện, ông thuật lại việc ông bị quân Đức quốc xã bắt làm tù binh và bị đối xử một cách tàn bạo. Ông viết: “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm quẹt. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”...Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là một viên cai tù Phát xít nữa, mà chỉ còn là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?” Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười” (x. Hanoch McCarty, Short Stories to warm the heart). 


Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi lẽ không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười” (Khuyết danh).
Dĩ nhiên, cười cũng có 36 vạn cái cười khác nhau. Có cái cười phải trả bằng cái giá của cả một đế quốc như cái cười của nàng Bao Tự thời Đông Chu liệt quốc. Có cái cười của bạo chúa Nero khi cho nổi lửa đốt thành La Mã để có cái cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi...Gần đây, có cái cười chỉ có thể làm cho thế giới văn minh muốn nôn mửa đó là cái cười của những tên khủng bố người Nam Dương khi ra trước tòa để bị xét xử vì tội đặt bom sát hại những người vô tội.


 
Nhưng loại bỏ những cái cười ngạo nghễ, độc ác và điên cuồng ấy đi, người ta thấy nụ cười nào cũng đều là gạch nối tự nhiên giữa con người với nhau. Cười là muốn đi vào cái phần sâu thẳm nhứt của tâm hồn mà không gì có thể đạt tới được. Cười có sức tước đoạt mọi vũ khí tàn độc nhứt trong con người. Bên dưới cái vỏ ngụy tạo của mỗi người là một “cung thánh” bất khả xâm phạm. Đó là nơi duy nhứt để gặp gỡ nhau, liên kết với nhau bên kia ranh giới của hận thù, đố kỵ, sợ hãi hay chiến tranh. Chính nơi đây mà văn hào Saint Exupéry và người cai tù Phát xít đã gặp nhau và gặp nhau nhờ một nụ cười. 


Tác giả Hanoch McCarty, khi bình về truyện ngắn “Nụ cười” của Saint Exupéry, đã nêu lên câu hỏi: “Tại sao chúng ta cười khi gặp một bé thơ?” Và tác giả đã trả lời: “Có lẽ vì chúng ta thấy được một tâm hồn tinh sạch không vướng mắc trong bất cứ một lớp vỏ bọc nào. Chúng ta biết và cảm thấy nụ cười của trẻ thơ là một nụ cười chân thực, không lừa dối và tâm hồn trẻ thơ trong chính chúng ta mỉm cười đáp trả một cách say sưa”.
Nụ cười chân thực luôn có tính lây lan.Thấy ai đó cười một cách chân thực, chúng ta không thể không cười đáp trả. Tôi thường nghĩ đến nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Nhìn ngài, tôi mới hiểu được hình tượng của Phật Di Lặc. Tôi cho rằng với Phật Giáo, đời không chỉ là bể khổ. Đời cũng đáng để vui hưởng, để cười và để trao cho nhau nụ cười hơn là thù hận hay buồn phiền. 



Nhìn nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tự dưng tôi cũng muốn làm một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế của tôi hay ít ra theo tinh thần của nhà lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống có quá nhiều phúc lành cần được vui vẻ đón nhận và chia sẻ với mọi người. Ngay cả bệnh tật, xét cho cùng, cũng là một phúc lành. Nhờ nó mà ta biết cảm thông với người khác hơn. Nhờ nó mà ta cũng biết cảm thông với bản thân hơn. Và dĩ nhiên, cũng nhờ nó mà ta được tôi luyện để biết mỉm cười với cuộc đời.

Chu Thập

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Tượng nhà mồ ở Pleikly


Đăng bởi lúc 12:38 Sáng 25/12/12
VRNs (25.12.2012) – Gia Lai – Trong tiến trình hội nhập với đa sắc tộc, và nhất là phải sống với sắc tộc lớn như người Kinh, và xu hướng văn minh hóa, người thuộc các sắc tộc thiểu số và sắc tộc bản địa gặp rất nhiều khó khăn. 
Nhân dịp về quê Mơak Noel (mừng Chúa Giáng Sinh), chúng tôi ghi nhận lại một số hình ảnh tượng nhà mồ của người Jarai, đang được dựng tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Pleikly, thuộc làng Pleikly, thị trấn Nhơn Hòa, tỉnh Gia Lai. Qua những bức tượng gỗ mộc mạc này, chúng tôi sẽ cố gắng nói một vài điều hiểu biết ít ỏi về nó và những vấn đề người Jarai cũng như các sắc tộc bản địa khác đang đối diện.
Ngày xưa, những người làm ra các tượng nhà mồ này được gọi là pơjâu (người Kinh gọi cách máy móc là phù thủy, sau này bị phản ứng quá, lại gọi là nghệ nhân. Cả hai cách gọi đều sai). Những người già kể rằng, pơjâu đó, trước kia nó không biết chút gì về việc trạm trổ hay nghệ thuật gì cả. Mà hiện nay nó cũng chẳng làm thêm tượng nào cả. Vậy nghĩa là sao?
Đang đêm nó ngủ, nó mơ gì không biết – người già Jarai kể – nó thức dậy khi mọi người đang ngủ, đi vào rừng, có nhiều khi kéo dài cả hai ba ngày đêm. Đến một cây, nó lấy rựa hạ cây rồi cũng dùng con rựa đó đẽo thành cái tượng, rồi vác đến nhà mồ của ai đó để dựng lên. Từ đó người tagọi nó là pơjâu. Có ai xin nó làm cho một cái tượng khác nữa, có pơjâu làm được có pơjâu không làm được. Những người nhờ làm tượng nhà mồ sẽ mang gà, heo, thậm chí là trâu đến biếu pơjâu này. Pơjâu nhận lễ vật đó lại xin pô phai yang (thầy cúng) cúng thần giúp mình, rồi chia cho cả làng ăn. Tức là không có lấy của người khác để làm giàu cho mình. Vì hơn ai hết pơjâu này biết khả năng của mình không do mình thủ đắc bởi học hành, mà do thần linh ban cho. Pơjâu không thể là nghệ nhân là thế.
Tượng gỗ mẹ bế con đang mon men đến thế giới hiện đại
Hình ảnh người mẹ bế con bằng gỗ đứng giữa đất đỏ, mặt nhìn về hướng Tây, phía sau là những chiếc xe gắn máy, và căn nhà vừa truyền thống vừa pha tạp với kỹ thuật hiện đại cách không hoàn hảo.
Đây là tâm trạng của người Jarai và các sắc tộc bản địa hiện nay. “Hiện đại” đã chạy vào làng họ rồi, còn họ thì không biết nên thế nào? Không thể không sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng cũng không có gì bảo đảm cho họ khi chạy theo “hiện đại”, họ sẽ là họ.
Đứa con ôm chặt lấy mẹ
Căn nhà sàn của người Jarai trong các làng xa vẫn thế này là căn nhà dài theo hướng Bắc Nam, cửa ở hướng Nam, để tránh gió, bụi, nóng nắng đến từ hướng Đông Tây. Nhưng những căn nhà của người Jarai ở dọc quốc lộ hoặc khu vực có nhiều người Kinh xâm thực vào ở chung, thì họ cũng bắt đầu xây nhà theo kiểu Thái, kiểu Yuan (Kinh).
Tình cảm mẹ con đối với người Jarai rất đặc biệt

Đây là bức tượng được các già làng Jarai vùng Pleikly chọn là diễn tả được bản chất người Jarai nhất. Suốt đời mẹ vì con.
Với sự yểm trợ của truyền thông đại chúng, văn hóa người Kinh được cho là chuẩn mực cho mọi văn hóa của cả 54 sắc tộc VN, khiến giới trẻ Jarai thấy mình phải làm mọi cách để trở nên người Kinh, giống người Kinh, mà họ có biết đâu, người Kinh hiện nay không biết đâu là văn hóa gốc của mình.
Với người Kinh, một nhà văn hóa học cho rằng đã có quá nhiều lớp văn hóa phủ lên khiến không thể nào có thể truy tìm ra được văn hóa gốc mang tính bản địa của mình nữa. Tiếp cận văn hóa hiện nay, lớp trên cùng là thứ văn hóa lộn xộn mạo danh là toàn cầu hóa. Lớp kế tiếp là văn hóa vô thần cộng sản cho cả Bắc Nam. Lớp tiếp nữa cho Miền Nam là văn hóa Mỹ. Lớp kế tiếp nữa cho cả hai miền là văn hóa Pháp và Pháp – Nguyễn. Lớp kế tiếp dày nhất là văn hóa Hán (1000 năm). Lớp kế tiếp nữa sẽ là văn hóa Đông Nam Á. Nhiều người hô hào tìm về bản sắc văn hóa dân tộc thì nhiều lắm cũng chỉ mới đào xuống tới lớp văn hóa Hán với việc đề cao Lão và Khổng. Nhưng đó là văn hóa Trung Hoa, không phải văn hóa Việt Nam.
Bi đát ở chỗ, mình không biết rõ mình là ai, lại còn ép người khác theo mình!?
Thiếu nữ Jarai trên đường rời bỏ làng
Bức tượng nhà mồ này diễn tả thiếu nữ Jarai (cái gùi nhỏ thó sau lưng) đã học xong tú tài của mái trường xhcn (cầm sách phía trước). Cô sẽ đi Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Quy Nhơn để học đại học. Nhiều người bạn cũng học xong tú tài với cô không muốn xa quê đã ở lại nhà, để ngày ngày chăn bò chăn dê, hoặc hái tiêu mướn cho người Kinh ngay trên đất trước kia của cha ông mình.
Giới trẻ Jarai lên đô thị học đại học. Sau khi học xong, hầu hết họ ở lại các thành phố đó để làm việc, vì ở quê đâu có nhà máy cần đến kiến thức của kỹ sư hóa, cử nhân sinh học,… Những người học sư phạm thì quay về dạy học, nhưng để được nhận vào trường thì phải có tiền đút lót, từ 30 đến 100 triệu. Còn không có tiền thì cứ đợi đó, chăn bò, làm thuê trước đi cái đã.
Mỗi người một cảnh đời

Con khỉ ôm chặt lấy trái bầu, sợ ai đó cướp mất
Con khỉ là một hình tượng được sử dụng nhiều cho các tượng nhà mồ Jarai. Họ ôm chặt lấy giá trị còn lại rất ít ỏi của mình và cố gắng giữ lấy để không ai lấy đi, nhưng xem ra họ khó có thể giữ được. Ví dụ như cồng chiêng (ching chêng) của họ được Tổ chức văn hóa, khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận “Quần thể văn hoá cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới”. Nhưng nhà cầm quyền không cảm nghiệm được khái niệm “quần thể văn hóa” như thế nào, nên chỉ cổ võ chuyện cồng chiêng mà thôi. Rồi khi mang cồng chiêng đi khắp nơi biểu diễn, nhà quản lý văn hóa cộng sản nhận ra, chỉ cồng chiêng không thì đơn điệu, có gì đâu mà thưởng thức, nên đưa violon, piano và nhiều nhạc cụ khác vào phụ họa cho cồng chiêng để tôn cồng chiêng lên. Họ tưởng họ làm ơn cho người dân tộc khi đã nâng nhạc cụ truyền thống người dân tộc lên đẳng cấp hòa tấu với các nhạc cụ hiện đại nhất thế giới.
Thực chất họ chẳng giúp gì, mà còn phá đi văn hóa cồng chiêng, làm cho giới trẻ Jarai không còn biết cồng chiêng thật và giá trị của nó.
UNESCO công nhận “Quần thể văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới” là rất chính xác và tinh tế. Chính quần thể này làm con người sống và lớn lên. Quần thể đó là bầu khí thờ phượng thần linh. 
Cách nay 10 năm, khi chúng tôi mới tiếp cận cồng chiêng, chúng tôi thắc mắc không hiểu tại sao có mấy cái chiêng rất quý, người tong ching (người đánh chiêng) được dành riêng, nhưng trong nghi lễ chỉ gõ có vài tiếng ở một vài thời điểm rất ít mà thôi. Sau này chúng tôi mới biết đó là ching iâu yang (chiêng gọi thần), tức là tiếng của bộ chiêng này chỉ được vang lên khi thần linh chuẩn bị đến và đang ngự trị mà thôi. Từ đó, chúng tôi nhận ra từng bộ chiêng riêng biệt có một chức năng riêng biệt nhau, giúp thần linh và con người hòa quyện với nhau. Ban đầu, cộng đồng có vẻ thụ động, ngồi yên, nhưng với các loại chiêng vang lên từng lúc theo nghi lễ, đã kéo dân chúng hóa thân qua việc đứng lên yun soang (múa). Lúc đó không có ai là nghệ sĩ biểu diễn, mà cũng không có ai là khán giả, mà mọi người hòa quyện, sống với thần linh.
Thất bại của nhà cầm quyền cộng sản trong việc phục hồi văn hóa là do họ không trả văn hóa lại cho đời sống, mà biến văn hóa thành thương phẩm để buôn bán, để làm trò vui. Trong khi đó, bản chất văn hóa là cuộc sống. Cuộc sống mà bị đem bán thì làm gì có giá trị làm người nữa.
Đau khổ, cái ít ỏi còn lại cũng đang mất dần.

Hình ảnh này chỉ còn ở trong akhan, không còn thấy trong các làng nữa.
Những người Jarai thật sự âu sầu cùng với các sắc tộc bản địa khác, do những gì là mình đang mất hết. Hiện nay chỉ có những người Jarai theo đạo Công giáo và Tin Lành là biết đọc và viết tiếng Jarai, do hàng ngày đọc Kinh Thánh tiếng Jarai. Nhà nước cũng có quy định các cán bộ làm việc với người dân tộc phải có bằng A, B, C tiếng dân tộc như kiểu bằng ngoại ngữ tiếng Anh. Nhưng những cán bộ này chỉ cố lấy bằng để có chức và giữ chức chứ không phải để bảo tồn văn hóa cho người Jarai và các sắc tộc bản địa.
Các thừa sai ngày nay đang cùng với người Jarai suy nghĩ về văn hóa đức tin bản địa
Vừa qua, người ta bàn đến sự khác nhau giữa hai cách gọi về người thiểu số là sắc tộc thiểu số và sắc tộc bản địa. Sự khác nhau này thế nào? Sắc tộc bản địa là những người chủ đất, họ đã ở đây vài ngàn năm, như Jarai, Bahnar, Eđê, Sêđăng, Chru, K’Ho… (ở Tây Nguyên). Còn sắc tộc thiểu số là các cộng đồng sắc tộc thiểu số từ nơi khác đến do phải chạy loạn, tha phương cầu thực… Họ không phải là chủ đất, chỉ là những người ở tạm, như người Hoa…
Có thể đã đến lúc cần phải có cách khác tốt hơn giúp người bản địa tồn tại và phát triển, nhờ đó họ có thể góp phần mình vào cộng đồng các sắc tộc Việt Nam, chứ không thể cố gắng duy trì quan điểm, thiểu số phải phục tùng đa số, rồi bắt họ phải Kinh hóa, như người Kinh đã từng và đang bị Hán hóa.
NAY GUM, CSsR

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đừng tranh cãi học 9 hay 12 năm'



 - “Khi giáo dục Việt Nam chưa xác định được triết lí giáo dục thì đừng bàn 9 năm hay 12 năm”- GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long nêu quan điểm. 

lớp 9, trung học phổ thông, học sinh, giáo dục
GS Hoàng Xuân Sính (Ảnh: Văn Chung).
GS Hoàng Xuân Sính cho biết: Xem clip của nam sinh lớp 12 - bản thân tôi đồng tình hãy để tuổi trẻ nói lên suy nghĩ của các em. Nếu các em không nói chúng ta sẽ không biết người trẻ thích, không thích cái gì cũng như thấy được những gì mình đạt dược hoặc còn thiếu sót.
Cái nguy hiểm là khi tuổi trẻ không nói gì, trước mặt chúng ta chỉ là “những hộp đen bí hiểm”. Anh là nhà GD mà trước những học sinh sinh viên (HSSV) không nói ý kiến về bài giảng, về chương trình, về nhà trường thì nhà GD biết gì để bổ sung, sửa chữa.
Ở VN, có lẽ lần đầu tiên một học sinh dám đưa ra quan điểm về giáo dục khi còn là học sinh nên được chú ý. Chính cái trái khoáy, lạ này nên mọi người mới cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng tôi cho đây cũng là dấu hiệu đáng mừng.
Nhìn ra nước ngoài các em nói hàng ngày, ngay trên lớp học. Giáo dục phải làm sao để các em bày tỏ quan điểm, chính kiến ngay với thầy cô trong lớp học. Để bao nhiêu lâu học sinh mới nói ra trên clip thì hơi muộn.
Dù ủng hộ nhưng cần thấy đây chỉ là chủ quan suy nghĩ của học sinh, còn nhiều điểm cần uốn nắn. Giáo dục không cho phép được làm theo chủ quan của ai được. Giáo dục để đào tạo cho em thành một con người biết sống tốt giữa mọi người nên không thể theo cảm tính của một học sinh.
Ví dụ em bảo chỉ học môn nào thích. Nhưng Toán giúp phát triển óc phân tích, Văn giúp phát triển óc tổng hợp. Em không thích Văn hoặc Toán. Điều đó sẽ khiến em bị khập khiễng. Và tất nhiên, giáo dục sẽ áp đặt để em thành người toàn diện hơn.
Em nói không cần có thi cử kiểm tra nhưng kiểm tra nếu làm tốt chức năng đánh giá khả năng tiếp thu của em đến đâu lại cần thiết, phải làm dù em không thích.
- Một trong những quan điểm đáng chú ý của nam sinh này là học sinh chỉ cần học hết lớp 9. Ở tuổi 14, 15 các em đã biết xác định được khả năng và lối đi cho riêng mình. GS có đồng tình với ý kiến này?
Đó là suy nghĩ của em mà thôi. Tôi cũng thấy nhiều giáo sư đồng tình ủng hộ quan điểm đó. GS Văn Như Cương từng nói bậc phổ thông, mọi học trò không nhất thiết cần học đạo hàm tích phân. GS Nguyễn Lân Dũng và một số người sau đó cũng đồng tình ủng hộ.
Nhưng tôi xin lấy ví dụ nhiều nhà nghiên cứu kinh tế thế giới cho rằng chúng ta không thể dạy được học trò nghiên cứu về kinh tế.
TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) chia sẻ trong lần sang Mỹ xem nghiên cứu sinh học hành như thế nào được các bạn tâm sự: “Ở đây phải học 2 năm về Toán trước, sau các GS mới cho học kinh tế. Theo các giáo viên ở đây: “Nếu không có Toán thì anh sẽ làm được gì với môn học của tôi. Có Toán mới nghiên cứu sâu được về kinh tế”. Trong khi ta lại nói không cần (?!)
Một ví dụ khác GS Lê Văn Cường từ ĐH Paris 7, nổi tiếng kinh tế sau khi về VN muốn truyền dạy kiến thức của ông cho SV. Ông làm thí điểm với SV Trường ĐH Thủy lợi và cũng yêu cầu SV phải học thêm về Toán trước khi học kinh tế của ông.
Tóm lại những tích phân, đạo hàm là rất cần thiết. Và giáo dục phổ thông cần 12 năm.
Cần một triết lí
- Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015. GS có góp ý gì để đề án có tính khả thi?
Trước khi góp ý tôi xin đưa chút so sánh về 2 nền giáo dục đối cực nhau là Mỹ và Pháp.
Giáo dục phổ thông ở Mỹ chủ trương cho thể thao lên hàng đầu. Tôi có chị bạn định cư ở Mỹ. Con học lớp 9, giỏi nhất tennis ở trường. Và đa số mọi người giỏi tennis còn hơn giỏi nhất Toán ở trường. Để trò phát triển tối đa về sức khỏe rồi vào đại học họ buộc SV phải “mở máy”, học thật nhiều. Thành ra nhiều trường ĐH của họ khó vì SV phải học nhiều.
Pháp lại chủ trương có 12 năm phổ thông để vào ĐH sinh viên sẽ đi chuyên sâu ngay chứ không học đại cương như Mỹ.
Nhưng cả hai nền giáo dục đều sản sinh ra những người giỏi. Vì đâu?Vì họ xác định được triết lí giáo dục.Có triết lí rồi mới xác định cần theo chương trình 9, 10 năm hay 12 năm được.
Hiện giáo dục phổ thông của mình bắt chước Pháp là nặng nhưng đến giáo dục ĐH lại không làm theo mà thả lỏng cho chơi. Đó là hệ quả của nền kinh tế kế hoạch với tư tưởng vào bao nhiêu phải ra bấy nhiêu.
Cách làm không nhất quán đó dẫn tới giáo dục của ta cứ đi vòng quanh, rối rắm.
Thậm chí ta bắt chước Pháp được bao nhiêu hay chỉ hời hợt? Trẻ ở Pháp học rất nặng, đặc biệt là việc tự học. Ta thay vào là việc bắt trẻ đi học thêm.
Đổi mới chương trình sách giáo khoa ở VN muốn thành công cần một triết lí. Sau đó tính làm như thế nào, giao cho ai viết hay nhập khẩu chương trình thì đơn giản. Ban soạn thảo phải làm từ lớp 1 đến ĐH. Nếu tách ra làm sẽ dẫn đến khập khiễng, thiếu toàn diện.

Văn Chung(thực hiện)

Thời sự giáo dục



Đăng bởi lúc 12:11 Sáng 25/04/13


VRNs (25.04.2013) – Sài Gòn – Ngày 24.04.2013, VietnamNet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/118305/-nen-bo-3-nam-trung-hoc-pho-thong-.html) đưa tin, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nói: “Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT. Khi đó, thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH”.

1. Nghĩ gì về nhận xét của ông Lê Trường Tùng?
Theo tôi, cải cách là thay đổi, là đổi mới, là điều cần làm và phải làm, vì điều gì cũng cần cải cách, nghĩa là làm cho tốt hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thay đổi không có nghĩa là bỏ hết cái cũ, mà nên chỉ bỏ những gì không tốt, không hiệu quả, vẫn giữ những gì tốt và hiệu quả.
Xưa nay, hệ thống giáo dục nền tảng của Việt Nam vẫn là 12 năm, thế nhưng kiến thức trong khoảng thời gian 12 năm đó càng ngày có vẻ càng “loãng” hơn, các cô cậu tú vẫn cảm thấy “hụt hẫng” và thiếu tự tin khi cầm mảnh bằng tú tài. Nay người ta muốn rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 10 năm, thiết nghĩ sẽ không đủ thời gian để kiến thức “thấm” vào các cô cậu tú.
Ngày xưa, các cô cậu tú 1 (lớp 11) đã có thể vững kiến thức, có thể làm giáo viên, có thể giao tiếp ngoại ngữ, thế nhưng ngày nay, các cô cậu tú (lớp 12) vẫn như “trẻ em” về kiến thức. Liệu 10 năm có tốt hơn và hiệu quả hơn 12 năm, hay chỉ chạy nước rút vì thành tích? Phải chăng đây vẫn là “di căn” của bệnh thành tích?
Trong hệ thống giáo dục của Giáo hội Công giáo, trước đây chỉ có chương trình 2 năm Triết dành cho những chủng sinh học tu làm linh mục, nhưng khi ĐGH Gioan Phaolô II sinh thời, ngài đã tăng lên 3 năm Triết. Thời gian học tăng lên và lâu hơn chứ không rút ngắn.
Tôi không dám nói nên rút ngắn thời gian gom góp kiến thức hay không, nhưng chúng ta thử suy nghĩ thì có thể thấy cần xem lại, nhìn vào thực tế, chứ không thể ngồi văn phòng mà tính toán rồi quyết định, kẻo rồi càng “cải” thì càng “cách”. Thực tế đã và đang cho thấy như vậy!

2. Đâu là điểm quan trọng mà trong ngành Giáo dục Việt Nam cần thay đổi?
Theo tôi, rất có thể là “bệnh thành tích”, ví nó như chứng ung thư quái ác, khi di căn thì bất trị. Bệnh thành tích là tật ưa bề nổi, chuộng bề ngoài, chứng “sĩ diện”,… chú trọng “số lượng” mà bất cần “chất lượng”. Đánh trống và khua chiêng rầm rộ với chiến dịch này hoặc chiến dịch nọ, nhưng rồi đâu lại đóng đấy, đó là những người có tên gọi rất hay: “Nguyễn Y Vân” (vẫn y nguyên) hoặc “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ). Phong trào là điều cần, nhưng phong trào chỉ là phong trào thì vô ích, cần phải thay đổi tận gốc rễ, như cổ nhân nói: “Nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc rễ”. Ung bướu cũng phải triệt tiêu được tế bào gốc gây ung thư mới khả dĩ phục hồi mà sinh tồn.
Các giáo viên chủ nhiệm cũng cố gằng “thi đua”, chỉ lo sao cho lớp mình là lớp tiên tiến, bất kể học sinh học sinh có khá hoặc giỏi thực sự hay không. Thực chất thì có khi lớp chỉ có một hoặc vài em giỏi hoặc khá, còn lại chỉ từ trung bình tới yếu kém. Thế nhưng giáo viên vẫn “nâng điểm” để lớp mình đạt danh hiệu tiên tiến, là lớp chọn hoặc lớp mẫu. Và cứ thế, cuối cùng học sinh càng “rỗng chân” như nhà xây trên cát, “lỗ hổng kiến thức” cứ còn đó. Thật nguy hiểm!
“Bệnh thành tích” là ảo tưởng, là giả hình. Nhóm Biệt Phái là hạng người điển hình về giả hình, gọi là Pharisêu. Chúa Giêsu rất ghét loại người này. Và Chúa Giêsu cũng cảnh báo mọi người là phải canh tân đời sống!
Muốn thay đổi nền giáo dục Việt Nam thì phải can đảm nhìn nhận thực tế của mình, dù có thể phũ phàng. Thà muôn còn hơn không. Thay đổi cũng như điều trị ung thư, phải đau đớn, phải vất vả, phải mất thời gian chứ không thể làm trong “một sớm, một chiều”, làm như phong trào hoặc như chiến dịch.
TRẦM THIÊN THU

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

TulipGarden9: Mừng 38 năm giải phóng miền... Bắc

TulipGarden9: Mừng 38 năm giải phóng miền... Bắc:

'via Blog this'

Lắng nghe, thấu hiểu người khác cũng là nghệ thuật/3



Gần đây có một thuật ngữ tâm lý học được mọi người chú ý: Nghe hết mình. Để hiểu thấu người thứ hai, rất cần phải huy động toàn bộ sự chú ý, sự nhạy cảm, trí thông minh và hiểu biết của mình vào việc nghe. Năng lực thấu hiểu người khác và hiểu rõ bản thân mình là hai thứ có liên quan mật thiết với nhau. Khi cái này lấn át cái kia, cái thứ hai sẽ được bổ sung.
Nhà văn Nga vĩ đại Lev Tolxtoi đã từng khuyến khích mọi người tận dụng một cách có ý thức sự phụ thuộc lẫn nhau này khi ông viết: “Sống giữa mọi người, bạn đừng quên những gì bạn đã nhận thức được trong cảnh cô đơn. Trong cô đơn, bạn hãy nghĩ đến điều bạn đã nhận thức được khi tiếp xúc với mọi người”. Cho nên để hiểu người khác thấu đáo hơn, cần phải nhớ lại tình huống từ chính kinh nghiệm bản thân khi chúng ta cảm thấy mình được những người khác hiểu rõ, hay nói chính xác hơn: Khi chúng ta được người thứ hai hiểu mình. Bởi vì sự hiểu biết thấu đáo nhất chỉ có thể xuất hiện trong mối quan hệ giữa hai cá nhân, giữa Tôi và Bạn. Bởi vì chỉ khi đó sự tập trung trọn vẹn của người này dành cho người kia mới có thể diễn ra, sự chú ý cao nhất của một người dành cho người thứ hai khi ở đỉnh cao mới cho phép nhận ra toàn bộ sự thật về người đó, bất kể sự thật đó liên quan đến cái gì. Và đó là điều kiện tiên quyết cho dù điều kiện đó rất khó đáp ứng.
Ở một trong số những cuốn sách của mình, tác giả Stephen Covey đã viết rằng chúng ta phải trải qua một số nợ tháng để học đọc và học viết, một số năm tháng để học đọc và học viết, một số năm tháng học để học nói. Nhưng chẳng ai dạy chúng ta phải nghe như thế nào. Kết quả là chúng ta thường chỉ nghe để hiều mỗi nội dung nghe được. Hay nói cách khác, chúng ta lọc lấy những gì chúng ta nghe thông qua lý lịch bản thân mình - tức là chúng ta đánh giá hay phân tích mọi cái phù hợp với quan điểm của mình để từ khoảng cách đó chúng ta đưa ra ý kiến và đưa ra lời khuyên nhủ. Mà nói chung quan sát của chúng ta, nhận thức của chúng ta và sự hiểu biết của chúng ta về cái địa hạt có tên là người thứ hai kia thường xuyên bị bó gọn trong cái chân trời của bạn thân chúng ta. Và cũng nói chung chúng ta chỉ hay tập trung vào chuyện làm thế nào để người khác hiểu rõ chúng ta, cho nên chúng ta đành cố gắng chủ yếu vào việc truyền đạt ý mình, thể hiện ý mình bằng suy nghĩ từ trước khi người thứ hai nói hết câu.
Vậy chúng ta phải làm gì để khắc phục những hạn chế do tính ích kỷ bẩm sinh tạo ra? ông Covey đã nói đến sự lắng nghe mang tính chia sẻ và nguyên tắc: “Bạn hãy cố gắng thấu hiểu người khác để sau đó bạn được người thứ hai thấu hiểu mình”. Dành sự ưu tiên cho việc thấu hiểu người thứ hai sẽ tạo những điều kiện tốt cho việc lắng nghe mang tính chia sẻ - tức là đặt sang một bên thế giới của mình để bước vào thế giới của người thứ hai, với mục đích nhận thức rõ và thấu hiểu nó, không cần áp dụng cách đo đếm của mình. Hạt nhân của sự chia sẻ là cộng đồng tình cảm. Đây chính là địa điểm để tất cả chúng ta gặp nhau và nhận ra nhau. Chúng ta có thể suy nghĩ khác nhau, có những niềm tin, kinh nghiệm và mục tiêu khác nhau, nhưng chúng ta trải nghiệm nỗi đau, nỗi tức giận, niềm vui, tình yêu, sự xấu hổ, sự xúc phạm hay nỗi sợ hãi như nhau. Nếu đi sâu được vào tâm hồn, tình cảm của người thứ hai, chúng ta nhận ra trong con người đó chính bản thân mình và chúng ta sẽ tìm ra được sợi chỉ của sự hiểu biết nối hai người lại, ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Sự chia sẻ không nhất thiết phải là sự thừa nhận. Nó đi theo hướng tiếp nhận cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm nhận của người thứ hai - để hiểu thấu người đó hơn.
Nó cho phép thấu hiểu cho dù có sự phân chia hoặc cảnh báo trước.
Lắng nghe mang tính chia sẻ, thậm chí trong trường hợp chúng ta đặt giả thiết rằng chúng ta có đủ khả năng làm việc này, đó vẫn là một việc làm đây khó khăn và cái khó khăn diễn ra hàng ngày, ít nhất xuất phát từ lý do là có quá nhiều những tác động gây cản trở việc tập trung chú ý cao độ. Nhưng nó đặc biệt khó còn bởi vì sự chú ý kia trước hết liên quan đến bản thân chúng ta - nó đòi hỏi một sự nỗ lực có ý thức để làm trong sạch cái không gian mang tính tâm lý học, để có thể tiếp nhận cái mà người thứ hai nói một cách hết mình. Cố gắng đó có nghĩa ít nhất là ở phần đầu câu chuyện, là chúng ta, người nghe, phải biết kiềm chế những phản ứng quá sớm, những phản ứng đã trở thành cố tật của mình. Để có thể trả lời một cách phù hợp điều đang xảy ra ở trong lòng con người thứ hai kia, trước hết chúng ta cần phải đặt mình vào tổng thể tình cảnh của người đó để thấy được toàn bộ sự phức tạp của vấn đề, để “nghe rõ” những tình cảm thường là ẩn giấu rất kỹ trong anh ta. Lắng nghe mang tính chia sẻ cũng đòi hỏi thể hiện sự tôn trọng thông qua việc bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho các cuộc chuyện trò, những điều kiện cho phép người đối thoại tách mình khỏi môi trường xung quanh và giữ lại những gì phục vụ cho việc dành trọn vẹn sự chú ý của người đối thoại. Cũng cần phải khái quát đặc điểm tình hình, trong đó chúng ta cảm thấy mình được người khác thấu hiểu, bởi vì điều này cho phép chúng ta tỉnh táo đầu óc để đừng bắt người thân của mình phải chịu cái mà bản thân chúng ta cũng cảm thấy khó chịu.
Tiếp
§                     Phần đầu
§                     Phần tiếp theo
Nguồn