11/02/2014
Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận xin giới thiệu cùng quí gia đình Giáo phận bài viết của Linh mục Chánh xứ Giáo xứ H’Neng, Đăk Đoa, Gia Lai, về “VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN” hội diễn tại khuôn viên giáo xứ H’Neng ngày Mồng Năm (ngày.04.02.2014)
GPKONTUM (11.20.2014) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
.
VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
.
Mỗi khi xuân về, chúng tôi lại có dịp gặp nhau tại khuôn viên nhà thờ H’Neng, Đăk Đoa, Gia Lai, để giao lưu Văn Hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên; một thể loại văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2002.
Nếu bảo tồn được thể loại văn hoá văn này, sẽ càng làm giàu thêm
cho nền văn hoá đất nước. Có thể nói, một quốc gia giàu đẹp phải
là một quốc gia đa văn hoá, đa ngôn ngữ. Vậy Văn Hóa Cồng Chiêng là gì?
- Ngày xưa [1], để đánh dấu một Năm Mới, người Tây Nguyên ăn uống với nhau suốt cả “Mùa Nắng” (còn gọi là Mùa Ăn Uống); nghĩa là sau mùa gặt sẽ có ăn mừng lúa mới, tiếp sau đó là những nghi thức cho các lễ (lễ mai mối, lễ hỏi, lễ cưới, lễ xây mồ mả, lễ trả nợ xương cốt, lễ tiễn bố, lễ kết nghĩa, lễ đặt tên và chúc lành cho bé, lễ xem ruộng, lễ dọn rẫy, lễ cầu mùa và nếu hạn hán kéo dài thì có lễ cầu mưa… Trong các lễ này không thiếu nghi thức đâm trâu tế thần, hoặc các con vật nuôi khác để cầu xin, để tạ ơn thần. Cả mùa nắng người Tây Nguyên ăn uống với nhau hết nhà này đến nhà khác, hết làng này đến làng khác bên những ghè rượu cần, thịt nướng, cơm lam, có cây nêu cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, điệu múa, kể chuyện và hát đối (ngâm nga sử thi).
- Một nhận xét: Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên mỗi ngày bị mai một, bị mất đi với nhiều lý do:
- Toàn cầu hóa
- Giao thoa văn hóa
- Đời sống kinh tế khó khăn
- Ý thức bảo tồn văn hóa còn yếu
- Ít người quan tâm đến
- Động cơ thúc đẩy ngày Hội Cồng Chiêng:
- Lưu giữ lại những nét đẹp bản sắc Văn Hóa Tây Nguyên.
- Tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người nhân dịp mừng Xuân mới, giúp anh chị em Bahnar, Jrai có cơ hội giao lưu, thi thố tài năng giữa các làng cũng như có một ngày nghĩ ngơi ăn tết.
- Qua ngày Hội Cồng Chiêng đã có nhiều người biết Chúa và xin theo Chúa. Nếu duy trì được ngày lễ Hội này đều đặn (một lần trong năm) thì công việc truyền giáo sẽ mang lại nhiều kết quả; đây là một trong những phương cách truyền giáo theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II.[2] Là hãy tìm ra hạt giống Lời Chúa trong các nền văn hóa ấy.[3]
Văn Hóa Tây Nguyên rất gần với thiên nhiên, từ quan niệm nhân sinh quan đến vũ trụ quan; ở đâu cũng có thần: thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng, thần mưa, thần nắng; thần này người Tây Nguyên gọi là “yang” (đối với ngữ hệ môn Khơme) và “adai” (đối với ngữ hệ môn Mã lai). Chữ yang gắn liền với toàn bộ đời sống của họ, trong ngôn ngữ và cả một đời người. Một khi đã nắm được những quan niệm cơ bản “yang với con người, yang với thiên nhiên”, các thừa sai sẽ dễ tìm ra những mối liên hệ Đức Chúa Trời (từ yang không viết hoa sang YANG viết hoa) mà chúng ta gọi là Thiên Chúa; phải có một YANG cao hơn trên các yang mà dân bản xứ thường gọi hàng ngày. Đây là chìa khóa, và là bước khởi đầu để giới thiệu Thiên Chúa cho họ. Nói như Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu: “Giáo Hội sẽ tìm cách giới thiệu Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình vừa không phản bội cái hồn của Á Châu”.[4]
- Một Trách Nhiệm:
Truyền giáo và bảo tồn văn hóa như là một bổn phận, một trách nhiệm được Giáo Hội ủy thác, giao phó.
Đức Phaolô VI ngài đã để ý tới đối tượng Phúc Âm Hóa là con người gắn liền với một nền văn hóa, và việc xây dựng Nước Trời không thể không vay mượn những yếu tố văn hóa của nhân loại.[5]
Để tiếp nối vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II đã nói: Hội nhập văn hóa và truyền giáo là điều cần thiết và cấp bách.[6] Và như thế, ngài mời gọi “Giáo Hội cần tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa”.[7] Giáo Hội phải nhập thể trong các nền văn hóa như Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập thể trong một con người cụ thể là Đức Giêsu Nazaret. Điều này có nghĩa là “Giáo Hội phải truyền cho các nền văn hóa ấy những giá trị của mình, cùng lúc đảm nhận những gì tốt và canh tân chúng từ bên trong”.[8]
Nói như Công Đồng Vaticanô II: Phải khám phá đức tin trong các nền văn hóa mới.[9] Vì tương lai Kitô giáo sẽ nằm ở khắp mọi nền văn hóa trên thế giới, như thế, sự nhập thể của đức tin trong các nền văn hóa đó là điều hết sức cần thiết.
- Thay Lời kết:
Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một năm qua được bình an, đặc biệt nhân dịp đầu Năm Mới chúng con có một Ngày Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên thật vui tươi, chan hòa tình Chúa và tình người. Xin Chúa tiếp tục ban muôn ơn lành cho chúng con, đặc biệt cho Đức Giám Mục giáo phận, cho các vị chủ chăn, cho các ân nhân, thân nhân đã đem đến cho chúng con nhiều điều bổ ích trong dịp đầu Xuân. Ước gì Lời của Chúa mãi mãi là ánh sáng chỉ đường cho chúng con đi; và mỗi một người trong chúng con là men, là muối ướp mặn cho đời thêm tươi sinh. Chúng con xin tạ ơn Chúa (trích lời đại diện cám ơn một chú yaophu trong thánh lễ tạ ơn cuối ngày Hội Cồng chiêng).
MỘT SỐ HÌNH
NT. PHAOLÔ H’NENG
Lm Micae YA PHU (OFM)
[1] Ngày xưa (là nói đến thời gian từ thập niên 70 trở về trước của thế kỷ XX); lúc ấy trên Tây Nguyên dân còn thưa thớt, núi rừng còn nguyên, trâu bò nhiều vô kể, lúa gạo không thiếu. Có lẽ vì thiên nhiên ưu đãi nên người Tây Nguyên rất dễ dàng trong vấn đề ăn uống nghĩ ngơi dài ngày; đối với họ bên ghè rượu là cơ hội để hàn huyên tâm sự, để nối kết tình làng nghĩa xóm, để thắt chặt tính cộng đồng.
[2] Vaticanô II, Adgentes số 11 và 15.
[3] Gioan Phaolô II, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, số 56.
[4] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 6.
[5] Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 20.
[6] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 20.
[7] Gioan Phaolô II, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, số 52.
[8] Gioan Phaolô II, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, số 52.
[9] Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 54.